Chia sẻ trải nghiệm YICMG 2025 - Nhóm P.A.T.E-USSH

Thứ ba - 08/07/2025 12:38
Tụi mình bắt đầu YICMG 2025 như thế nào?
3 sinh viên Thành, Dương, Oanh
3 sinh viên Thành, Dương, Oanh
Lời đầu tiên, nhóm P.A.T.E xin được gửi lời cảm ơn chân thành tới Ban Tổ chức Cuộc thi YICMG 2025, Ban Giám hiệu Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, và đặc biệt là các thầy cô trong Khoa Quốc tế học đã trao cho chúng em cơ hội được tự do khám phá và chinh phục những đam mê của mình. 

Nhóm chúng mình, gồm ba sinh viên đến từ Khoa Quốc tế học, gồm Vũ Thị Kim Oanh, Trần Quỳnh Dương và Nguyễn Thị Thuý Thành, vẫn nhớ rất rõ cảm giác vừa lúng túng, vừa háo hức khi quyết định thử sức với cuộc thi YICMG 2025. Đây là lần đầu tiên nhóm mình được tham gia một sân chơi học thuật mang tầm quốc tế, với sự hiện diện của các đội thi đến từ sáu quốc gia trong Tiểu vùng sông Mê Kông: Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar.

Lúc mới bắt đầu, mọi thứ diễn ra khá nhẹ nhàng như: tìm hiểu thông tin, chọn đề tài, lên ý tưởng, nhưng càng tìm hiểu sâu, tụi mình càng nhận ra cuộc thi này không hề đơn giản. Những con số về tỷ lệ học sinh bỏ học ở Đồng bằng sông Cửu Long, những bất cập trong tiếp cận giáo dục và gánh nặng tài chính của nhiều gia đình khiến chúng mình thật sự trăn trở. Từ đó, dự án P.A.T.E. – Providing Access To Education ra đời với mong muốn tạo ra một mô hình hỗ trợ học tập bền vững, giúp các bạn học sinh khó khăn có cơ hội tiếp tục đến trường – không chỉ trong hiện tại, mà cả về lâu dài. Trong suốt nhiều tháng chuẩn bị, cả ba thành viên vừa chạy deadline học kỳ, vừa cùng nhau làm đề cương, thiết kế slide, dựng video, luyện thuyết trình… Mỗi người một vai trò, bổ trợ cho nhau – từ nội dung, kỹ thuật cho đến hậu cần và tinh thần. Dù Thành không trực tiếp tham gia trình bày ở vòng chung kết cuộc thi, nhưng vẫn luôn đồng hành cùng nhóm trong mọi giai đoạn. Tụi mình tin rằng: mỗi bước đi, dù nhỏ, đều là công sức và tâm huyết chung của cả ba người.

Cuộc thi chính thức bắt đầu – và hành trình thật sự cũng vậy.

Tụi mình đặt chân vào khách sạn Grand K – nơi các đội thi gặp nhau lần đầu tiên với cảm giác vừa hồi hộp, vừa tò mò. Đây là lần đầu nhóm mình được gặp trực tiếp các thí sinh quốc tế cũng như các bạn đến từ Học viện Ngoại giao Việt Nam – một trong những đội bạn Việt Nam tham gia cuộc thi năm nay, bên cạnh đội của tụi mình đến từ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN.
Học viện Ngoại giao VN và USSH, HN
Các đội đến từ Việt Nam bao gồm Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội và Học viện Ngoại giao Việt Nam tại khách sạn Grand K

Ngay từ buổi đầu tiên, không khí đã vô cùng sôi nổi. Các hoạt động như ice-breaking, bốc thăm thứ tự thuyết trình, trò chơi giao lưu… giúp tụi mình nhanh chóng phá băng và làm quen với các bạn đến từ những quốc gia khác nhau. Tuy khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ và cả cách làm việc, nhưng ai cũng đều mang theo một tinh thần cởi mở, trách nhiệm và khát vọng chung hướng tới phát triển bền vững cho khu vực.
 
Buổi gặp mặt đầu tiên 29 06 giữa các thí sinh
Buổi gặp mặt đầu tiên 29.6 giữa các thí sinh
 
VNU, USSSH, HN
Các đội thi Việt Nam đến từ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tại Văn Miếu Quốc Tử Giám

Những phần trưng bày (roadshow), thuyết trình dự án chính, hay dự án xuyên quốc gia (transnational project) đều mang lại áp lực không nhỏ.
Tại Road show
Roadshow
 
Sv Oanh tại transnational project
 2 thành viên trình bày tại vòng thi dự án xuyên quốc gia (transnational project)

Xuyên suốt các ngày thi, chúng mình trải qua khá nhiều áp lực – từ phần trưng bày (roadshow), thuyết trình chính, cho đến thử thách dự án xuyên quốc gia (“Transnational Project”), nơi các thành viên bị xáo trộn và phải xây dựng một phiên bản cải tiến từ một dự án bất kỳ. Việc làm việc nhóm với các bạn quốc tế không hề dễ: bất đồng ngôn ngữ, không dùng chung nền tảng làm việc (người dùng Word, người dùng Docs, người dùng PowerPoint…), lại khác nhau cả trong cách liên lạc (người dùng Instagram, người chỉ dùng WeChat). Nhưng chính trong những lúc bối rối và “vấp” như vậy, tụi mình mới học được cách điều chỉnh, kiên nhẫn, rõ ràng hơn trong diễn đạt – và đặc biệt là biết lắng nghe người khác thật sự.
 
Lancang mekong cafe
Những cuộc thảo luận với sự góp ý của các thầy cô các nước (1)
Thảo luận
Những cuộc thảo luận với sự góp ý của các thầy cô các nước (2)
Thảo luận (2)
Những cuộc thảo luận với sự góp ý của các thầy cô các nước (3)
Thảo luận (1)
Những cuộc thảo luận với sự góp ý của các thầy cô các nước (4)

Những cảm xúc cứ thế đan xen, hồi hộp khi thuyết trình, căng thẳng lúc bị chất vấn, rồi nhẹ nhõm và vui khi được ghi nhận. Team P.A.T.E đạt giải Ba chung cuộc, còn Oanh và Dương cũng nhận giải Ba cho phần thi Transnational Project. Dù kết quả không quá nổi bật, nhưng điều chúng mình trân trọng hơn cả là những gì đã học được và cảm nhận được sau cuộc thi. Những người bạn mới, các buổi thảo luận xuyên biên giới, những khoảnh khắc giao lưu văn hóa đầy màu sắc, những tiết mục đậm bản sắc từ sáu quốc gia, hay điệu múa truyền thống của thí sinh Lào mà các bạn quốc tế cùng hòa mình tham gia… tất cả đã tạo nên một bức tranh sống động mà chúng mình sẽ luôn nhớ mãi.
IMG 20250708 112812
Một tiết mục truyền thống của thí sinh người Lào thu hút sự tham gia của các bạn nước khác
 
Thí sinh các nước
Thí sinh sáu nước chụp ảnh cùng nhau

YICMG 2025 khép lại, nhưng chắc chắn không kết thúc. Vì chúng mình biết, những gì đã học được từ cuộc thi sẽ còn đồng hành lâu dài – không chỉ trong học tập, mà cả trong cách tụi mình nhìn nhận các vấn đề khu vực, hợp tác quốc tế và phát triển con người. Và nếu ai đó hỏi “Có nên tham gia YICMG không?”, câu trả lời của nhóm mình sẽ luôn là: “Có”. 

 

Tác giả: FIS

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây