Một số câu hỏi thường gặp về Khoa Quốc tế học

Thứ hai - 18/05/2020 10:05
Một số câu hỏi thường gặp về Khoa Quốc tế học
Một số câu hỏi thường gặp về Khoa Quốc tế học
 
STT Câu hỏi Trả lời
1 Quốc tế học là học về gì? Sinh viên Quốc tế học được trang bị kiến thức về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, ngoại giao, pháp luật quốc tế thông qua các môn học như: Thể chế chính trị thế giới, Các tổ chức quốc tế, Kinh tế quốc tế, Luật quốc tế, Quan hệ đối ngoại Việt Nam, So sánh văn hóa, Ngoại giao công chúng và nhiều môn học thú vị khác. Bên cạnh đó là các môn học về kỹ năng, nghiệp vụ như Nghiệp vụ văn phòng đối ngoại, Đàm phán quốc tế, Quản lý dự án phát triển, Kỹ năng ứng tuyển bằng tiếng Anh … Đến năm học thứ tư, sinh viên sẽ được trang bị các kiến thức chuyên sâu về một trong bốn hướng chuyên ngành: Quan hệ quốc tế, Châu Âu học, Châu Mỹ học và Nghiên cứu phát triển quốc tế.
2 Sinh viên có thể tốt nghiệp sớm được không? Chương trình học của hệ chuẩn và hệ chất lượng cao đều có thời gian đào tạo là 4 năm. Tuy nhiên, vì sinh viên học theo học chế tín chỉ nên sinh viên có thể hoàn thành chương trình học trong thời gian 3,5 năm hoặc 3 năm.
3 Học Quốc tế học tốt nghiệp làm nghề gì? Với kiến thức đa ngành, liên ngành và những kỹ năng được trang bị qua 4 năm học, cử nhân Quốc tế học có thể tiếp cận cơ hội làm việc đa dạng tại các cơ quan ngoại giao, đại sứ quán của các nước tại Việt Nam, cơ quan đối ngoại của các địa phương, bộ phận đối ngoại của các doanh nghiệp, các cơ quan báo chí, các tổ chức quốc tế, các cơ quan biên-phiên dịch, các công ty du lịch, các doanh nghiệp, các cơ quan nghiên cứu hay các cơ sở giáo dục-đào tạo, … Sinh viên tốt nghiệp ngành Quốc tế học còn có khả năng theo học các chương trình đào tạo cao hơn ở trong và ngoài nước.
4 Các cơ hội có được khi học Quốc tế học? Được học hỏi những kiến thức chuyên môn cập nhật nhất; Được học tập và rèn luyện trong một môi trường đậm chất nhân văn và mang tính hội nhập cao, nơi có các thầy cô vô cùng tâm huyết và các bạn sinh viên năng động, sáng tạo; Được tham gia xét chọn các chương trình học bổng trong và ngoài ngân sách; Được tham gia các cuộc thi, các chương trình giao lưu, trao đổi sinh viên ở nước ngoài và trong nước; Được tham gia các Hội thảo quốc tế với sự góp mặt của nhiều chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu quốc tế; Được tham gia các hoạt động sinh hoạt học thuật, văn hóa, thể thao đa dạng và thú vị; Và khám phá ra nhiều năng lực mới cũng như phát triển bản thân.
5 Ngành Quốc tế học tuyển sinh mấy hệ đào tạo cử nhân? Từ năm học 2020-2021, bên cạnh Hệ đào tạo chuẩn (mã xét tuyển QHX18), ngành Quốc tế học sẽ có thêm Hệ đào tạo chất lượng cao (mã xét tuyển QHX43). Ngoài ra, Khoa Quốc tế cũng đào tạo chương trình bằng kép dành cho các sinh viên trong hệ thống Đại học Quốc gia.
6 Hệ Chất lượng cao và Hệ Chuẩn khác gì nhau? Hệ Chất lượng cao (CLC) tên đầy đủ là Hệ Đào tạo Chất lượng cao Xã hội hóa theo Thông tư 23 (CLC-XXH) là một hệ đào tạo hoàn toàn mới, không chỉ có những điểm khác biệt với Hệ Đào tạo Chuẩn mà còn có những điểm khác so với các Hệ Chất lượng cao đã có trước đây. Chi tiết về so sánh giữa Hệ Chuẩn và Hệ Chất lượng cao, vui lòng xem tại đây
7 Học Quốc tế học có học bằng tiếng Anh nhiều không? Hệ đào tạo Chuẩn: Trong kỳ học đầu tiên, sinh viên sẽ học Học phần Tiếng Anh B1 để thi Chứng chỉ B1; từ học kỳ thứ 2-5, sinh viên sẽ học các học phần Tiếng Anh chuyên ngành quốc tế học 1-4. Ngoài ra, sinh viên sẽ học 2 học phần chuyên môn giảng dạy bằng tiếng Anh (học phần cụ thể tùy theo hướng chuyên ngành). Trong quá trình học, sinh viên có thể viết Nghiên cứu khoa học hoặc Khóa luận tốt nghiệp bằng tiếng Anh (không bắt buộc). Hệ đào tạo Chất lượng cao: Trong 2 học kỳ đầu tiên, sinh viên học học phần Tiếng Anh B1 và B2 để thi Chứng chỉ B2; từ học kỳ 3-5, sinh viên học các học phần Tiếng Anh chuyên ngành quốc tế học 1-3 (bắt buộc); học kỳ 6 và 7, sinh viên có thể lựa chọn học Tiếng Anh chuyên ngành quốc tế học 4-5/ Tiếng Trung cơ sở 1-2/ Tiếng Nhật cơ sở 1-2/ Tiếng Hàn cơ sở 1-2. Ngoài ra, sinh viên có thể học từ 5-12 học phần chuyên môn được giảng dạy bằng tiếng Anh. Ngoại ngữ là một ưu thế của sinh viên Quốc tế học, vì vậy sinh viên luôn được khuyến khích tập trung nâng cao trình độ ngoại ngữ. Câu lạc bộ Tiếng Anh của Khoa là một trong các câu lạc bộ ngoại khóa hoạt động sôi nổi và thu nhút nhất của trường ĐHKHXH&NV.
8 Sẽ được học thêm những ngoại ngữ nào khi học Khoa QTH? Hệ đào tạo Chuẩn: Tiếng Anh là ngoại ngữ được đào tạo chính. Hệ đào tạo Chất lượng cao: bên cạnh tiếng Anh, sinh viên có thể lựa chọn học thêm tiếng Trung/ Tiếng Nhật/ Tiếng Hàn (xem thêm câu 7).
9 Ngành Quốc tế học có những chuyên ngành nào? Hệ đào tạo Chuẩn bao gồm 4 hướng chuyên ngành: Quan hệ quốc tế, Châu Âu học, Châu Mỹ học, Nghiên cứu phát triển quốc tế (sinh viên thường bắt đầu theo hướng chuyên ngành vào kỳ học thứ 6 hoặc thứ 7); Hệ đào tạo Chất lượng cao không phân chia hướng chuyên ngành. Chi tiết về Khung CTĐT tham khảo tại đây.
10 Khoa có những câu lạc bộ nào? Quốc tế học là một trong những khoa năng động top đầu của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, vì vậy các hoạt động của khoa đặc biệt là các câu lạc bộ hoạt động rất mạnh mẽ và thu hút sự tham gia đông đảo của sinh viên trong trường. Về chuyên môn, một trong những câu lạc bộ hoạt động mạnh mẽ và nổi bật nhất của Khoa đó là: Câu lạc bộ tiếng Anh (FEC). FEC đã duy trì hoạt động đến nay là 8 năm liên tục. Ngoài ra còn có Câu lạc bộ Thời sự Khoa quốc tế học (phụ trách trang "Loa Quốc tế") là nơi các bạn sinh viên học hỏi được những kinh nghiệm qua các hoạt động điểm tin. Về thể thao, Khoa có các đội bóng đá nam, nữ. Về các câu lạc bộ tình nguyện và sở thích, sinh viên có thể tham gia rất nhiều các CLB cấp Trường như: CLB Vovinam Nhân văn, CLB Sol, CLB Cheerleading Rumbo, CLB Nhảy PeaceCrew,....
11 Sinh viên Quốc tế học có thể học bằng kép những chương trình nào? Sau khi học hết năm thứ nhất, sinh viên có cơ hội học thêm một ngành thứ hai là một trong các ngành sau: + Ngành Báo chí, ngành Khoa học quản lí, ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, ngành Quản trị văn phòng và ngành Tâm lý học của Trường ĐHKHXH&NV. + Ngành Ngôn ngữ Anh, ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc, ngành Ngôn ngữ Nhật, ngành Ngôn ngữ Trung Quốc của Trường Đại học Ngoại ngữ (ĐHQGHN). + Ngành Luật học của Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội. Sinh viên hoàn thành chương trình đào tạo của cả hai ngành sẽ được nhận hai bằng cử nhân chính quy. Tuy nhiên, việc hoàn thành bằng một là điều kiện để có thể nhận bằng bằng hai.
12 Việc học bằng kép có quá nặng không? Việc học hai bằng cùng lúc chắc chắn sẽ làm tăng áp lực từ việc học đối với sinh viên, ở các mức độ khác nhau đối với từng cá nhân. Thách thức đặt ra bao gồm, có thể nhiều hoặc ít hơn với mỗi sinh viên: thách thức về thời gian, tài chính và khối lượng kiến thức. Tuy nhiên, có những thuận lợi khi học hai bằng ở Trường Nhân văn nói riêng và Đại học Quốc gia nói chung, đó là: Thứ nhất, khối lượng học tập bằng kép được giảm bớt so với học riêng rẽ hai ngành. Các tín chỉ học phần tương đương đã học ở bằng một sẽ được chuyển điểm sang bằng kép và không cần phải học lại nữa, Thứ hai, các lớp bằng kép được mở vào thứ 7, chủ nhật hay buổi tối để tránh việc trùng lịch học chính quy của sinh viên, Thứ ba, theo đánh giá của sinh viên, giảng viên trong hệ thống Đại học Quốc gia nói chung rất tạo điều kiện cho sinh viên bằng kép rất nhiều. Vì vậy, các bạn sinh viên hãy cân nhắc kĩ theo điều kiện của bản thân để có quyết định phù hợp về việc học bằng kép.
13 Cơ hội học bổng dành cho sinh viên? Sinh viên Khoa Quốc tế học có cơ hội nhận được các học bổng khuyến khích học tập theo chính sách chung dành cho các sinh viên có kết quả học tập tốt nhất. Loại học bổng này được xét hàng kì với số lượng tương đương 5- 7% tổng số sinh viên. Loại học bổng thứ hai là các học bổng do các tổ chức, cá nhân trao theo các tiêu chí nhất định, thường dựa vào kết quả học tập, rèn luyện và tham gia các hoạt động xã hội, tình nguyện. Bên cạnh đó, còn có các cơ hội tham gia các chương trình giao lưu, khóa học quốc tế dành cho sinh viên theo học tại Khoa. Trung bình, sẽ có 30- 40 suất học bổng, cơ hội tham gia trao đổi một năm. Ngoài ra, sau khi tốt nghiệp sinh viên cũng có cơ hội giành được các học bổng đi học các bậc học cao hơn do các đối tác nước ngoài cung cấp.
14 Cơ hội xuất ngoại, du học, trao đổi sinh viên như thế nào? Trong khuôn khổ hợp tác của Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn với nhiều trường đại học trên thế giới nên hàng năm có nhiều chương trình giao lưu ngắn hạn và dài hạn dành cho sinh viên của Khoa đến các trường ở Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia, Trung Quốc, Đài Loan và Đức. Các sinh viên Khoa Quốc tế học cũng chiếm tỉ lệ cao trong tổng số các sinh viên tiếp tục theo học các chương trình học bậc cao hơn ở nước ngoài của Trường sau khi tốt nghiệp. Đặc biệt, trong chương trình đào tạo của Khoa còn có chương trình thực tập, thực tế. Theo đó, sinh viên của Khoa nhiều năm gần đây đều lựa chọn thực tế nước ngoài tại Thái Lan hoặc Trung Quốc.
15 Khoa có kiểm tra đầu năm hay thi đánh giá cho sinh viên mới vào không? Khoa không có bài thi riêng đầu năm cho tân sinh viên. Tuy nhiên, tân sinh viên của Khoa nói riêng và Trường nói chung trong học kì đầu tiên sẽ được thi khảo sát đánh giá năng lực ngoại ngữ để có lộ trình học tập phù hợp đảm bảo chuẩn đầu ra.
16 Học khối C (mất gốc tiếng Anh) liệu có thể học Quốc tế học được không? Hiện tại, Khoa Quốc tế học vẫn tuyển chọn đầu vào khối C, bên cạnh các tổ hợp xét tuyển khác. Tuy nhiên do chuẩn đầu ra của sinh viên là trình độ B1 tiếng Anh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng như để có thể hoàn thành các học phần tiếng Anh chuyên ngành, thì các bạn còn kém tiếng Anh khi vào Khoa sẽ cần phải nỗ lực hơn để đảm bảo lộ trình học tập và nắm bắt các cơ hội khi theo học tại Khoa.
17 Khoa Quốc tế học USSH và Khoa Quốc tế VNU khác gì nhau? Trước hết, cần khẳng định, đây là hai cơ sở đào tạo khác nhau trong hệ thống Đại học Quốc gia Hà Nội. Về mặt tổ chức, Khoa Quốc tế học là một khoa trực thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - một trường thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong khi đó, Khoa Quốc tế (gọi là "Khoa" nhưng thực tế là đơn vị tương đương cấp Trường) trực tiếp trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và có các phân khoa trực thuộc. Về mặt chuyên môn, Khoa Quốc tế học thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (FIS-USSH-VNU) là theo định hướng nghiên cứu khoa học xã hội cơ bản, chuyên sâu về nghiên cứu các vấn đề quốc tế trên các lĩnh vực với 4 hướng chuyên ngành là: Châu Âu học, Châu Mỹ học, Quan hệ Quốc tế, và Nghiên cứu Phát triển Quốc tế. Về Khoa Quốc tế VNU học các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh và chương trình đào tạo chủ yếu học về kinh tế, kế toán. Về địa điểm học tập, tuy cùng trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội nhưng sinh viên Khoa Quốc tế học USSH sẽ học tại cơ sở Thanh Xuân (336 Nguyễn Trãi) còn sinh viên Khoa Quốc tế VNU sẽ học tại cơ sở Cầu Giấy (144 Xuân Thủy) và tại Làng Sinh viên Hacinco (99 Ngụy Như Kon Tum).
18 Các thầy cô trong khoa có vui vẻ, tâm lí không? Các thầy cô trong khoa được sinh viên đánh giá không những vui vẻ, tâm lí mà còn rất gần gũi với sinh viên. Các thầy cô luôn cố gắng tạo ra bầu không khí học tập và làm việc năng động, trẻ trung, hiện đại và thoải mái nhất cho các bạn sinh viên. Hơn thế nữa, các thầy cô luôn rất cởi mở trong các cuộc trao đổi, giảng dạy, tọa đàm trực tiếp với sinh viên, tạo cơ hội bình đẳng với tất cả các bạn. Đặc biệt, để củng cố và kết nối bền chặt sợi dây thầy trò, các thầy cô luôn cố gắng tổ chức các buổi dã ngoại, du lịch ngắn ngày trong nước giành cho các bạn sinh viên trong Khoa. Văn phòng Khoa luôn mở cửa chào đón các bạn sinh viên đến liên hệ, tự học, hội họp hoặc nghỉ ngơi sau các giờ học bất cứ lúc nào.
19 Khoa Quốc tế học liệu có phù hợp với những người hướng nội không? Dù các bạn là người hướng nội hay hướng ngoại thì các bạn vẫn hoàn toàn có thể có được môi trường để phát huy các thế mạnh, sở trường của mình khi theo học tại Khoa Quốc tế học. Việc kiến tạo môi trường để các bạn sinh viên phát triển bản thân rất được Khoa chú trọng. Bên cạnh đó, các thầy cô, các sinh viên khóa trên cũng luôn sẵn sàng để hỗ trợ các bạn nếu có thắc mắc hay khó khăn trong quá trình học tập tại Khoa, Trường.
20 Có thể xem thêm các thông tin khác về Khoa Quốc tế học ở đâu? Để có thể cập nhật thêm thông tin về Khoa Quốc tế học, ngoài website của Khoa và của Trường, các bạn cũng có thể truy cập fanpage của Khoa tại đây: https://www.facebook.com/FIS.USSH.VNU/ hoặc liên hệ: Điện thoại: 024 3 858 4599 E-mail: khoaquoctehoc@gmail.com Website: khoaquoctehoc.edu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây