Gần đây, những trải nghiệm quý giá mà cô có được từ chuyến đi hai năm trước được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, bất ngờ nhận được nhiều lượt tương tác, chia sẻ.
Mùa hè năm 2019, mang trong mình nhiệt huyết của tuổi trẻ, cô nữ sinh Hà Thành lần đầu đặt chân đến vùng đất Thanh Hải (Trung Quốc) và trở về với nhiều khám phá thú vị.
“Trong suốt chuyến hành trình, được đắm chìm mình với cảnh vật, mình nhận ra bản thân chỉ là một sinh linh bé nhỏ trong thế giới bao la này.
Vốn lớn lên giữa ồn ào của phố phường Hà Nội, giây phút ấy cho mình biết mẹ thiên nhiên đẹp đến khó tả, đẹp đến si mê, một vẻ đẹp không thể tả thành lời” – Hương Giang chia sẻ.
Tỉnh Thanh Hải nằm trên cao nguyên Thanh - Tạng và là nơi sinh sống của một lượng lớn người Tạng. Đây là nơi bắt nguồn hai con sông quan trọng nhất của Trung Quốc: Trường Giang và Hoàng Hà, cũng là nơi khởi nguồn của dòng Mekong huyền bí.
Ở độ cao trung bình trên 3000 mét, cảnh quan thiên nhiên nơi đây mang đặc trưng của vùng cao nguyên. Người Hán, Tạng, Hồi, Mông Cổ và Tát Lạp ở Thanh Hải có một lịch sử lâu dài và còn lưu giữ được truyền thống văn hóa độc đáo, phong phú.
Khi vừa hạ cánh xuống sân bay, Hương Giang và các bạn đã được quàng chiếc khăn lụa lên cổ thay cho lời chào đón.
Sau này, cô được biết đó là những chiếc khăn Khata. Việc quàng chiếc khăn Khata là sự bày tỏ việc tôn kính trong Phật giáo Tây Tạng. Người ta tặng khăn Khata trắng như một sự ban phước lành hay một lời chúc cát tường.
Qua tìm hiểu và kinh nghiệm những anh chị đi trước, Hương Giang biết rằng thời tiết của ở Thanh Hải rất khắc nghiệt.
Dù là mùa hè những nhiệt độ ban ngày chỉ ở mức 12-13 độ C, ban đêm có khi xuống mức âm độ. Cô đã chủ động mang theo kem chống nắng chỉ số cao và quần áo giữ nhiệt, chống gió.
Thêm vào đó cũng tích cực luyện tập thể thao trước khi lên đường, nhằm thích nghi với địa hình cao, không khí loãng.
Trong khi tham gia các hoạt động, Hương Giang cũng chủ động hỏi người hướng dẫn đoàn, các bạn sinh viên bản địa, qua đó biết thêm nhiều phong tục, nét văn hoá riêng của người Tạng như điểu táng hay các lễ hội đua ngựa.
Lúc đầu, khi được nghe về phong tục điểu táng, cô còn thấy hơi sợ và cảm thấy rùng mình. Tuy nhiên sau khi tìm hiểu, phân tích từ góc độ văn hoá, cô hiểu rằng điều kiện trên núi cao, xa nguồn nước, đất đai khô cằn thì điểu táng hay thiên táng là sự lựa chọn thích hợp.
Theo lịch trình, cô có một ngày một đêm nghỉ ngoài trời, trú mình trong những lều trại mang phong cách thảo nguyên.
Dù bản thân nhiều khi cảm thấy hơi đuối sức sau nhiều hoạt động liên tiếp của cuộc thi cùng môi trường khác lạ, nhưng cô luôn giữ thái độ vui vẻ, hào hứng.
“Khi đêm xuống, bước ra khỏi lều, trước mắt mình là bầu trời đầy sao hiện lên lấp lánh, cảm giác có thể với tay hái xuống vậy. Đó là khoảnh khắc mà mình sẽ không thể nào quên.” – cô bồi hồi nhớ lại.
Tác giả: FIS
Nguồn tin: www.phapluatplus.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn