Nữ sinh Hàn Quốc tốt nghiệp loại giỏi chia sẻ hành trình du học Việt Nam

Thứ tư - 23/08/2023 15:36
SVVN – Mong muốn học tiếng Việt, Jayoung đã một mình sang Việt Nam du học. Cô vừa tốt nghiệp loại giỏi ngành Quốc tế học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Khoảng thời gian tại Việt Nam không quá dài, nhưng thật trọn vẹn để cô gái Hàn Quốc tích lũy kiến thức, kinh nghiệm và thêm yêu đất nước, con người nơi đây.
Kwon Jayoung sinh năm 1996 tại thành phố Gyeryong, tỉnh Chungcheongnam-do, Hàn Quốc. Chia sẻ với chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong, Jayoung nói: “Ở Việt Nam, mình không chỉ hoàn thành việc học đại học, mà còn học được bài học về sự tốt bụng, tình bạn và tình yêu chân thành vượt qua mọi rào cản về ngôn ngữ hay quốc tịch”.
1 Ảnh cá nhân
Kwon Jayoung rạng ngời trong ngày tốt nghiệp đại học

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáp, giảng viên khoa Quốc tế học và chủ nhiệm lớp của Jayoung, nhận xét cô là một sinh viên thông minh và giàu nghị lực. Cô có hai học kỳ nhận học bổng khuyến khích học tập của trường và là sinh viên người nước ngoài đầu tiên trong hơn 25 năm từ khi thành lập khoa giành được thành tích này.

Tiến sĩ Đáp cho biết, Jayoung đã tốt nghiệp đúng hạn hồi đầu tháng 8/2023 cùng các bạn sinh viên Việt Nam và xếp loại giỏi. Dù vốn tiếng Việt còn hạn chế nhưng cô đã thể hiện khả năng thích nghi, hòa nhập tốt trong thời gian học tập và sinh sống tại Việt Nam. Điều này không chỉ được thể hiện ở kết quả học tập mà còn ở việc cô có những người bạn thân cùng lớp và tham gia nhiều hoạt động chung.
2 Nhận bằng đại học
Jayoung nhận bằng cử nhân trong lễ tốt nghiệp ngày 5/8/2023
Một mình du học Việt Nam
Trước khi sang Việt Nam, Jayoung là sinh viên khoa Ngôn ngữ và Văn học Anh của một trường đại học tại Hàn Quốc. Sau đó, cô nhận ra tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến toàn cầu nên cần học thêm một ngoại ngữ hoặc lĩnh vực chuyên môn khác. Cô thấy rằng Việt Nam hiện có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nhiều công ty Hàn Quốc tích cực đầu tư vào Việt Nam và mối quan hệ giữa hai nước cũng đang tốt đẹp. Vậy nên học tiếng Việt có thể mang lại nhiều cơ hội mới trong tương lai.  

Vào thời điểm đó, tại Hàn Quốc không có nơi nào phù hợp để học tiếng Việt, nên Jayoung quyết định sang Việt Nam. Khi bày tỏ ý định với gia đình, mọi người cùng tìm hiểu thông tin và biết được tiềm năng phát triển của Việt Nam. Cả nhà đã tán thành và ủng hộ hết mình việc cô đi du học. Trong khi đó, bạn bè bất ngờ khi cô chọn học một ngoại ngữ mà ít người Hàn theo học như tiếng Việt.    
3 Bạn bè Jayoung từ Hàn Quốc
Bạn bè của Jayoung từ Hàn Quốc sang Việt Nam dự lễ tốt nghiệp của cô
Năm 2018, Jayoung đến Việt Nam và quyết định chọn thủ đô Hà Nội làm nơi gắn bó. Thay vì chương trình Tiếng Việt dành cho người nước ngoài, cô đăng ký vào ngành Quốc tế học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Mùa thu năm 2019, Jayoung trở thành sinh viên ngoại quốc duy nhất của lớp với chương trình được giảng dạy hầu hết bằng tiếng Việt. 

Cô cho rằng: “Thay vì học với các bạn người nước ngoài, mình được học cùng lớp, cùng môn học với các bạn người Việt Nam. Mình được trực tiếp trải nghiệm một Việt Nam ‘thuần tuý’. Điều đó đã giúp mình hiểu sâu hơn cuộc sống ở đây”. 

Học kỳ đầu tiên với những môn học đại cương là một thách thức với vốn tiếng Việt ít ỏi của Jayoung lúc đó. Các lớp học đại cương thường gồm sinh viên nhiều khoa khác nhau nên đôi khi cô không được học chung với các bạn cùng khoa. Đôi lần cô cảm thấy lạc lõng và tủi thân vì không theo kịp nội dung bài giảng hay hiểu sai yêu cầu bài tập mà giảng viên giao.

Trong một môn đại cương, cô từng rất buồn vì là người duy nhất của lớp nhận điểm 0 giữa kỳ. Cô bảy tỏ mong muốn được giảng viên chiếu cố vì là người nước ngoài nên tiếng Việt chưa thật lưu loát. Tuy nhiên, cô giáo đã nghiêm khắc nhắc nhở Jayoung nên chăm chỉ học tiếng Việt cho giỏi nếu muốn cải thiện điểm số.

“Mỗi lần trải qua những chuyện như vậy mình đều thấy nhụt chí. Mình mất hết tinh thần mỗi khi làm bài tập nhóm vì biết rõ không thể giúp được gì cho các bạn. Mình cũng không dám đưa ra ý kiến vì sợ nói sai sẽ ảnh hưởng tới mọi người”, cô nhớ lại.

Vượt qua học kỳ đầu tiên, bắt đầu làm quen với cuộc sống học đường, Jayoung thêm bối rối vì dịch bệnh Covid-19 ập đến và phải chuyển qua học trực tuyến. Gia đình rất lo lắng khi con gái ở Việt Nam một mình và muốn cô nhanh về nhà. Tuy nhiên, các chuyến bay riêng lúc đó quá đắt và không biết khi nào sẽ có lịch đi học, nên cô đã chọn ở lại cho đến hết năm thứ hai. Sang năm thứ ba, khi tình hình căng thẳng hơn, bố mẹ đã tìm cách đưa cô về nước khoảng nửa năm.
4 Jayoung và mẹ
Jayoung và mẹ tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
Học trực tuyến hoá ra lại có một số điểm tích cực đối với Jayoung. Cô dễ dàng chụp ảnh hoặc lưu trữ các trang bài giảng để xem lại và ôn tập trước mỗi kỳ thi. Ngoài ra, việc giảng viên giao bài tập qua các phần mềm dạy học thay vì nói trực tiếp trên lớp cũng giúp cô thuận tiện nắm bắt các yêu cầu của đề bài.

Các môn chuyên ngành Quốc tế học khiến Jayoung “dễ thở” hơn vì hầu hết lý thuyết có thể tìm thấy trong các tài liệu tiếng Anh. Cô đặc biệt hào hứng với các môn Hỗ trợ quốc tế, Kinh tế phát triển và Tiếng Anh chuyên ngành. Tiếng Anh chuyên ngành là môn học yêu thích nên cô rất hăng hái trong mỗi tiết học. Với hai môn Hỗ trợ quốc tế và Kinh tế phát triển, cô thấy thú vị khi có thể thực hiện những phân tích về tình hình phát triển kinh tế, xã hội của Hàn Quốc cùng liên hệ đến Việt Nam.
5 Thuyết trình đề tài khoá luận TN
Jayoung thuyết trình đề tài khóa luận tốt nghiệp

Khoá luận tốt nghiệp được Jayoung viết bằng tiếng Anh với đề tài “Di cư lao động từ Việt Nam sang Hàn Quốc”. Đây là đề tài mà cô được Thạc sĩ Nguyễn Trọng Chính, giảng viên khoa Quốc tế học, gợi ý và khuyến khích thực hiện. Để hoàn thành khóa luận, cô đã triển khai nhiều nghiên cứu khác nhau về chính trị, ngoại giao, phát triển kinh tế thông qua trao đổi con người giữa Hàn Quốc và Việt Nam. Cô cũng muốn nghiên cứu thêm về sự thay đổi của hiện tượng di cư lao động thông qua toàn cầu hóa với đề tài trên.  

Dù Thạc sĩ Chính chỉ hơn Jayoung 1 tuổi, cô thường xưng hô “em” và gọi “thầy” trong tiếng Việt. “Mình đã nghe bạn bè kể rằng thầy Chính còn trẻ, nhưng mình chưa bao giờ suy nghĩ về tuổi tác của thầy. Thầy Chính không chỉ xuất sắc về mặt học thuật mà còn rất quan tâm sinh viên và có khiếu hài hước. Khi viết khóa luận, thầy Chính đã đưa ra rất nhiều góp ý và phản hồi hữu ích cho đề tài”, cô chia sẻ.
6 Chụp ảnh GV hướng dẫn
Jayoung và giảng viên hướng dẫn - Thạc sĩ Nguyễn Trọng Chính trong ngày bảo vệ khóa luận tốt nghiệp
Những cú sốc văn hoá
Jayoung nhìn nhận: “Việt Nam và Hàn Quốc có chung nền văn hóa Nho giáo nên dù có khá nhiều điểm giống nhau, những cú sốc văn hóa mà mình gặp phải trong những ngày đầu tiên đến Việt Nam lại rất đa dạng”. Vì không có bạn bè, người thân hay trung tâm du học nào hỗ trợ, vốn tiếng Việt chưa nhiều, cộng thêm việc thay đổi khí hậu và lối sống cũng khiến cô gặp nhiều trở ngại. 
7 Du lịch Hội An
Jayoung đi du lịch tại Hội An
Một trong những điều mà Jayoung nhớ nhất là giao thông ở Việt Nam. Cô từng “phát hoảng” khi thấy người điều khiển phương tiện giao thông vượt đèn đỏ, mọi người tuỳ tiện băng qua đường hay đi bộ dưới lòng đường. Sau nhiều năm, chính cô lại thấy sốt ruột khi phải chờ đèn xanh, hay thấy việc phải tìm đúng vạch kẻ đường dành cho người đi bộ để băng qua đường dần trở nên “phiền phức”. 

Những quan niệm khác biệt về quyền cá nhân cũng làm Jayoung bất ngờ. Cô kể đã từng bị vô số người không quen biết trên đường chụp ảnh mình. Mọi người làm điều đó một cách công khai khiến cô khó hiểu và có chút không thoải mái.

Ngoài ra, do chủ nghĩa cá nhân đang lan rộng trong xã hội Hàn Quốc nên rất hiếm khi có sự giao lưu, kết bạn hay thậm chí hỏi tên, tuổi, nghề nghiệp của những người hàng xóm. Ở điểm này, sự thân thiện của người Việt Nam đối với cô lại là cú sốc văn hoá tích cực. Một lần, thấy cô hoảng sợ bật khóc vì nhà có gián, những người hàng xóm tốt bụng đã chạy sang hỏi chuyện và giúp đỡ.
8 Du lịch Fansipan
Jayoung cùng bạn trai du lịch tại Fansipan
Theo cô nhận xét, phần khó nhất khi học tiếng Việt là thanh điệu. Do tiếng Hàn tiêu chuẩn thường không có nhiều thay đổi về ngữ điệu, ngoại trừ giọng địa phương tại một số khu vực. Trong khi đó, tiếng Việt có đến 6 thanh điệu nên việc phát âm các thanh điệu này là một thử thách không nhỏ.

Vì tiếng Hàn không có âm mũi nên với cô, những từ tiếng Việt bắt đầu bằng “ng” thường rất khó phát âm. Ngoài ra, tùy theo ngữ điệu của người nói mà ý nghĩa của từ có thể khác nhau hoàn toàn, khiến nhiều lúc cô không nắm bắt được ý đồ của đối phương.
Điều tuyệt vời nhất đối với Jayoung trong quãng thời gian du học Việt Nam là những người bạn sẵn sàng giúp đỡ cô trong học tập và cuộc sống. Các bạn cho cô tham khảo bài tập các môn và hướng dẫn cô cách làm theo đúng quy định. Khi cần giải quyết các thủ tục hành chính, mọi người cùng cô đến văn phòng nhà trường để hỗ trợ. Cũng có những khoảnh khắc thật đáng nhớ như khi cô cùng các bạn vào lớp muộn do mải mê ăn vặt và tán gẫu trong giờ nghỉ.
9 Cùng bạn ĐH
Những người bạn cùng lớp đại học tổ chức sinh nhật cho Jayoung
Jayoung xúc động nói: “Mình được quá nhiều người giúp đỡ đến mức mình nghĩ bản thân là người Hàn Quốc được chúc phúc nhất ở Việt Nam. Mình sẽ rất nhớ các bạn Thảo, Thế Anh, Trang, Hằng, Hoa, Việt Hiếu, Lê Hiếu và Diệm. Có nhiều bạn trong lớp dù không thường xuyên nói chuyện nhưng mình đều nhớ mặt và nhớ tên của mọi người, dù mình không thể nhớ được cả họ và tên vì tên trong tiếng Việt khó quá.

Mình cũng muốn gửi lời cảm ơn đến các giảng viên khoa Quốc tế học. Nếu không chọn khoa Quốc tế học và gặp được mọi người thì có lẽ mình đã rời Việt Nam từ lâu rồi. Dù không phải người thích đi học lắm, nhưng nếu có cơ hội trở lại Việt Nam thì mình vẫn sẽ chọn học tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội”.
 

Tác giả: Trịnh Vũ Lam Trang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây