Dịch giả trẻ thử thách bản thân với sách lịch sử Hy Lạp

Thứ ba - 28/03/2023 15:25
Trước khi xuất hiện với vai trò là một dịch giả, Ngô Gia Thiên An từng là gương mặt triển vọng của thi đàn Việt Nam, ra mắt tập thơ đầu tay “Những ngôi sao lấp lánh” khi mới 12 tuổi. Hai tác phẩm mà cô tham gia dịch gần đây đều của Xenophon, tác gia người Hy Lạp sống ở những năm cuối thế kỷ thứ 5 và đầu thế kỷ thứ 4 TCN.
Dịch giả trẻ Ngô Gia Thiên An
Dịch giả trẻ Ngô Gia Thiên An

Ngô Gia Thiên An sinh năm 1999, tốt nghiệp ngành Quốc tế học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, từng là sinh viên trao đổi tại Đại học Greifswald, Đức. Hiện cô đang làm việc trong lĩnh vực truyền thông và dịch thuật.

Hai tác phẩm thuộc đề tài lịch sử Hy Lạp mà cô từng tham gia dịch là Anabasis - Hồi ký viễn chinh xứ Ba Tư (phát hành 12/2022) và Memorabilia (sắp phát hành). Cả hai tác phẩm trên đều của Xenophon (430 TCN - khoảng 355TCN), một nhà quân sự, triết gia và nhà sử học người Hy Lạp, học trò của Socrates. Cô cũng tham gia dịch trong dự án Trẻ em học như thế nào của Book Hunter cùng một số đầu sách kỹ năng khác.

Người trẻ say mê sách lịch sử Hy Lạp

Tác phẩm dịch đầu tiên và cũng là tác phẩm tâm đắc nhất của Thiên An trong bộ sách về Xenophon là Memorabilia, hiện vẫn chờ thời gian ra mắt. Dù tham gia kết hợp cùng nhóm dịch nhưng đây vẫn là một thách thức không nhỏ, bởi tác phẩm mang đậm tính triết lý, bao gồm những đoạn đối thoại dài cùng nhiều lập luận lắt léo. Thiên An chia sẻ: “Tôi đã phải bỏ nhiều công sức để hiểu cách tư duy của tác giả - người sống cách chúng ta hàng ngàn năm”.

Còn Anabasis - Hồi ký viễn chinh xứ Ba Tư vừa ra mắt cuối năm 2022 lại là quyển sách đầu tiên mà Thiên An dịch trọn vẹn, với thời gian hoàn thành trong vòng hai tháng. Cô cho biết thách thức của tác phẩm này chính là lối hành văn của Xenophon, cũng là điều gây khó khăn với nhều người dịch khác. Trong quá trình dịch, cô cũng tham khảo nhiều tài liệu của các học giả, dịch giả nước ngoài và đối chiếu các bản dịch để đảm bảo độ chính xác.

Trong quá trình dịch, cô nhận ra phong cách viết mỗi thời mỗi khác, thậm chí là khác biệt lớn. Nhiều dịch giả và học giả thời nay thường phàn nàn rằng Xenophon thường xuyên lặp lại, viết đi viết lại một ý nhiều lần. Còn các tác gia La Mã cổ đại từng ca ngợi Xenophon vì cách hành văn uyển chuyển và vốn từ vựng phong phú.

Tư duy của từng thời cũng vậy. Đọc văn Xenophon, đôi khi cô thấy rất thú vị, đôi khi lại thấy những suy luận của ông thật phi logic so với tiêu chuẩn của người hiện đại. Những bài diễn văn hùng hồn được nền văn hóa Hy-La ưa chuộng đôi khi cũng làm cô cảm thấy ông đang lặp lại hơi nhiều. Theo Thiên An, người dịch nên đứng cùng tác giả, hòa vào thời đại của họ và nhìn qua góc nhìn của họ.

“Thật may mắn vì Xenophon thường xuyên miêu tả kỹ những điều ông đã trải qua, như cách ông săn chim ô-tít trên đồng cỏ hay thử uống bia bằng ống hút khi đi tới một miền đất mới, trong khi người Hy Lạp cổ đại không dùng ống hút. Nếu không có các tác phẩm của ông hay của các tác gia Hy Lạp khác, chúng ta khó mà hình dung nổi cung cách sinh hoạt, tư duy của người xưa”, Thiên An chia sẻ thêm.

Dịch giả trẻ thử thách bản thân với sách lịch sử Hy Lạp ảnh 2
“Anabasis - Hồi ký viễn chinh xứ Ba Tư” thuật lại chuyến hành trình ông chỉ huy đoàn quân viễn chinh người Hy Lạp "đánh thuê" cho hoàng tử Ba Tư.
 

Biết ơn vì sớm được đọc những tác phẩm dịch tỉ mỉ, mượt mà

Trước khi bắt đầu dịch sách, Thiên An cũng chỉ là một độc giả, không thường để ý tới dịch giả của những cuốn sách nước ngoài. Tuy nhiên, vẫn có một số dịch giả để lại cho cô ấn tượng sâu sắc, phải kể đến dịch giả Nguyễn Văn Khoả với quyển Thần thoại Hy Lạp và dịch giả Trương Đắc Vị với tiểu thuyết kinh điển Đôn Ki-hô-tê của Miguel de Cervantes.

Cô đọc Thần thoại Hy Lạp từ khi còn nhỏ, đây cũng là tác phẩm khiến cô quan tâm, tìm hiểu văn hóa, lịch sử của nền văn minh Hy Lạp cổ đại. Cho tới nay, cô vẫn thường xuyên đọc các tác phẩm viết về nền văn minh này. Đó cũng chính là tiền đề quan trọng giúp cô trở thành dịch giả của những quyển sách về lịch sử Hy Lạp như Anabasis hay Memorabilia.

Còn Đôn Ki-hô-tê lại là tác phẩm cô yêu thích nhất. Dịch giả Trương Đắc Vị không chỉ dịch từng câu chữ cho đúng với nguyên tác mà còn cùng tác giả Cervantes xây dựng lại thế giới kỳ khôi của Đôn Ki-hô-tê, với đủ kiểu người từ quý tộc cho tới thường dân để phù hợp với độc giả Việt Nam. Cả những bài diễn văn, bài thơ và bài hát trong sách cũng được dịch một cách rất khéo léo.

Thiên An chia sẻ: “Tôi cảm thấy biết ơn khi từ nhỏ đã được đọc những tác phẩm được dịch một cách cẩn thận, tỉ mỉ với văn phong mượt mà. Sự tôn trọng của dịch giả dành cho cả tác phẩm lẫn tác giả là điều tôi luôn quý trọng”.

Khi được hỏi đâu là tác phẩm dịch tâm đắc nhất của mình, Thiên An cho biết, thật khó để trả lời. Bởi làm sách là một quá trình cần sự hợp tác của nhiều khâu và người dịch không thể kiểm soát được tất cả. Nếu để chọn, cô chỉ dám nói rằng mình ưa thích việc làm chú thích cho những cuốn sách đã dịch, và thấy tâm đắc với những chú thích ấy.

Khi dịch sách, cô thường đọc sách kỹ hơn bình thường nhiều. Vì vậy, lượng kiến thức nạp vào cũng nhiều hơn và phong phú hơn. Việc dịch thuật nhắc nhở Thiên An nên chú tâm hơn vào những điều mình đang đọc, và giúp cô tiếp cận với nhiều nền văn hóa mới, những kiến thức mới mà bình thường khó mà tự tìm hiểu được. Thể loại sách yêu thích của cô là tiểu thuyết, sách khoa học thường thức, lịch sử và manga (truyện tranh Nhật Bản). Hiện tại, mỗi năm cô cho biết chỉ đọc khoảng 5 quyển sách, bao gồm cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt.

Cô vừa hoàn thành đọc bộ sách A Song of Ice and Fire của George R R Martin. Nếu có điều kiện, cô khuyên độc giả nên đọc tác phẩm này bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Cô đã đọc bản tiếng Việt của cuốn đầu tiên trong bộ sách Sói tuyết thành Winterfell và nhận thấy việc đối chiếu bản gốc tiếng Anh với tiếng Việt rất thú vị, nhất là khi dịch giả dịch lại hệ thống tên người, tên địa điểm vô cùng mượt mà.

Dịch giả trẻ thử thách bản thân với sách lịch sử Hy Lạp ảnh 3
Thiên An tại một sự kiện văn học.
 

Con đường trở thành một dịch giả trẻ

Ngược dòng thời gian, Thiên An là nhà thơ trẻ tuổi nhất của sân khấu thơ trẻ tại sự kiện “Ngày thơ Việt Nam lần thứ 14” năm 2016, trình diễn thơ của chính mình trước đông đảo công chúng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Năm đó, cô đang học lớp 11 chuyên Văn, trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội.

Bộc lộ năng khiếu thơ từ sớm, cô từng là thành viên nhỏ tuổi nhất trong nhóm bút “Nhiệt Đới” của Nhà xuất bản Kim Đồng. Tập thơ đầu tay Những ngôi sao lấp lánh được in khi cô mới 12 tuổi. Cô đã đạt giải A về thơ của cuộc thi “Cây bút Tuổi hồng” do Hội đồng Đội Trung ương, Báo Thiếu niên Tiền phong và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức năm 2012. Sau những dấn ấn đó, cô tiếp tục sáng tác thơ và truyện, từng đạt thêm một số giải thưởng khác cho các tác giả nhỏ tuổi.

Lên Đại học, cô bắt đầu công việc dịch bài viết, thơ cho các báo và tích luỹ được một số kinh nghiệm nhất định. Sau khi ra trường, cô thử sức dịch chung một đầu sách kỹ năng với nhóm dịch giả. Văn phong của sách kỹ năng thường không quá phức tạp nên công việc của cô khá thuận lợi. Thừa thắng xông lên, cô nhận dịch thêm một số tác phẩm khác và dần trở thành một dịch giả trẻ.

Với các bạn trẻ đang muốn trở thành một dịch giả, cô cho biết cần thường xuyên đọc đa dạng các thể loại, hoặc các hình thức khác như xem phim, nghe nhạc, chơi game… của nhiều quốc gia khác nhau. Bởi mỗi nền văn hoá có đều có những điển cố, điển tích, những lối ẩn ý, thành ngữ, tiếng lóng, lối chơi chữ rất riêng. Cố gắng làm phong phú vốn trải nghiệm của bản thân thông qua những hoạt động, mỗi người sẽ học được nhiều điều hữu ích cho công việc dịch thuật.

Tác giả: FIS

Nguồn tin: svvn.tienphong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây