Trần Thị Thu Oanh, tên thường gọi là Akai, 26 tuổi, tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Quan hệ quốc tế, ngành Quốc tế học, khoa Quốc tế học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-USSH). Sau đó, cô làm việc tại một số doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực công nghệ, truyền thông và marketing.
Thu Oanh (Akai Trần) – Học giả học bổng chính phủ Hàn Quốc GKS hệ thạc sĩ năm 2024. |
Từ tháng 9/2024, Oanh theo học tại khoa Khoa học Chính trị và Ngoại giao, Đại học Quốc gia Jeonbuk (Jeonbuk National University - JBNU) tại thành phố Jeonju ở phía tây nam Hàn Quốc. Cô được chính phủ Hàn Quốc đài thọ trong ba năm, gồm một năm học tiếng Hàn và hai năm học thạc sĩ. Học bổng GKS chi trả toàn bộ chi phí trong quá trình học như phí thị thực, vé máy bay, học phí, sinh hoạt phí và bảo hiểm.
Chia sẻ với phóng viên Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong, Oanh cho biết cô được nghe nói đến học bổng GKS từ nhiều năm trước. Dẫu vậy, xét đến sự danh giá và mức độ cạnh tranh của học bổng này, cô luôn nghĩ rằng đây là điều ngoài tầm với.
Về học thuật, Oanh tốt nghiệp loại giỏi với số điểm 3.41/4. So với những hồ sơ cùng nộp GKS, cô không lọt top điểm cao, không có giải thưởng nghiên cứu khoa học hay bài đăng trên tạp chí chuyên ngành. Điểm chứng chỉ tiếng Hàn TOPIK và tiếng Anh TOEIC cũng không quá xuất sắc.
Cô có thêm một số thành tích ngoại khoá liên quan đến ngành học và định hướng nghiên cứu: đồng sáng lập và chủ nhiệm đầu tiên của một CLB học thuật; thực tập sinh tại khoa Quốc tế học; thành viên Ban tổ chức một cuộc thi về an ninh phi truyền thống dành cho sinh viên.
Thu Oanh (chính giữa hàng đầu) và những thành viên nòng cốt đầu tiên của CLB học thuật Loa Quốc tế do cô đồng sáng lập. |
Năm 2023, lần đầu thử nộp GKS, cô bị loại ngay từ vòng hồ sơ. Ở tuổi 25, khi đã có một công việc ổn định, một mối quan hệ tình cảm nhiều năm và bạn bè xung quanh rục rịch lập gia đình, Oanh vẫn mò mẫm tìm đường tới đất nước mình luôn mơ ước.
Lần thứ hai nộp học bổng, Oanh dành nhiều thời gian phản tư để tìm ra những điểm chưa tốt và tìm cách cải thiện bộ hồ sơ nộp học bổng. “Thất bại không phải điều gì đáng xấu hổ. Với mình, thất bại giúp mình nhìn ra những điều còn thiếu, hiểu bản thân hơn, trưởng thành hơn để tìm ra con đường dẫn tới thành công”, cô tâm sự.
Oanh nhận thấy có những yếu tố không thể cải thiện như điểm tốt nghiệp đại học hay những yếu tố không kịp cải thiện như công trình nghiên cứu, bài báo khoa học. Tuy nhiên, vẫn có những yếu tố có thể cải thiện được như điểm chứng chỉ, hoạt động ngoại khóa, bài luận và kế hoạch học tập.
Oanh tìm cách gia tăng “yếu tố Hàn Quốc” để tạo nên tính đồng nhất, xuyên suốt và thể hiện được quyết tâm. Cô thừa nhận, dù yêu mến xứ sở Kim chi từ lâu nhưng mọi thứ chỉ dừng ở mức độ “quan tâm” mà chưa có “hành động”.
Cô tích cực ôn luyện và thành công thi lấy chứng chỉ tiếng Hàn trình độ cao hơn. Cô còn đăng ký và được chọn tham gia một chương trình về lan tỏa văn hóa do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc tổ chức, trở thành cộng tác viên sáng tạo nội dung của chuỗi video tìm hiểu văn hoá Hàn Quốc được đăng trên các trang mạng xã hội của Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc và Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam.
Thu Oanh xuất hiện trong loạt video về ngôn ngữ và văn hoá Hàn Quốc. |
Quá trình tham gia các hoạt động này khiến Oanh cảm thấy động lực nộp học bổng và khát khao đặt chân đến Hàn Quốc càng thêm mạnh mẽ và rõ ràng. Từ đó, cô chủ động thay đổi tâm thế, góc nhìn và cách thể hiện trong bài luận và kế hoạch học tập.
“Mình nhận ra, dù bài luận có viết to tát, văn hoa đến đâu mà thiếu đi những dẫn chứng thực tế thì cũng không qua mắt được ban giám khảo. Mình mất nhiều thời gian để trả lời câu hỏi ‘Mình muốn gì, sẽ làm gì và tại sao cần phải làm như vậy?’.
Mình đã tìm được định nghĩa và vai trò của chính trị - ngoại giao đối với bản thân. Thay vì những điều mơ hồ, chung chung, mình đã xác lập một lộ trình chi tiết nhất có thể để thực hiện lý tưởng mình muốn theo đuổi”, cô nhớ lại.
Để “giữ chân” các giám khảo, Oanh bắt đầu bài luận của mình bằng một thắc mắc về sự khác biệt trong độ phủ và thứ hạng của Việt Nam và Hàn Quốc trên bảng xếp hạng quyền lực mềm các quốc gia trên thế giới. Cô chỉ ra rằng, dù đều bước ra từ khó khăn nhiều bề sau chiến tranh ở thế kỷ trước, nhưng Hàn Quốc đã làm rất tốt công tác ngoại giao văn hoá để có được quyền lực mềm trong quan hệ quốc tế.
Thu Oanh (bìa phải) và các nhà sáng tạo nội dung về văn hóa Hàn Quốc tại một chương trình do Trung tâm Văn hoá Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức hồi tháng 3/2024. |
Oanh cho rằng Hàn Quốc là nơi lý tưởng để cô theo học ngành Chính trị và Ngoại giao, bởi nguồn tài nguyên giá trị, thực tiễn cao về ngoại giao công chúng và ngoại giao nhân dân. Cô mong muốn được tiếp thu nhiều bài học bổ ích về ngoại giao công chúng của Hàn Quốc, cũng như được đóng góp cho mối quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc trong tương lai.
Phần cuối bài luận, cô liên kết tất cả “mảnh ghép” từ kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm trong học tập, ngoại khóa, kỹ năng để khẳng định: “Tôi có động lực. Tôi có mục tiêu. Tôi đã tìm hiểu và chuẩn bị kỹ càng. Tôi đã, đang và chắc chắn sẽ tiếp tục nỗ lực. Và tôi tin rằng tôi xứng đáng nhận học bổng này”.
Học bổng GKS chỉ yêu cầu một thư giới thiệu của giảng viên tại trường đại học hoặc của lãnh đạo tại nơi làm việc. Oanh đã được Tiến sĩ Nguyễn Thị Thùy Trang, hiện là Chủ nhiệm chuyên ban Nghiên cứu Phát triển Quốc tế tại khoa Quốc tế học, viết thư giới thiệu. Cô Thuỳ Trang vừa là giảng viên, vừa là lãnh đạo quản lý kỳ thực tập của Oanh nên cô hiểu rõ năng lực, tính cách và định hướng nghiên cứu của học trò.
Các giảng viên khoa Quốc tế học, cô Thùy Trang (hàng ngồi, áo đỏ) và Thu Oanh (sơ mi đen) tại chuyến thực tế trong khuôn khổ cuộc thi IFNSP 2020 do VNU-USSH tổ chức với sự tài trợ từ một quỹ của Đức. |
Ở vòng phỏng vấn, Oanh có chút bối rối khi trường JBNU tiến hành phỏng vấn qua điện thoại. Trường không có thời gian cụ thể mà chỉ thông báo chung chung vào một thời điểm trong khoảng bốn ngày từ 25 - 28/4/2024.
Oanh không biết mình sẽ nhận được cuộc gọi vào lúc nào nên luôn thấp thỏm, sốt ruột suốt những ngày đó. Mãi đến khoảng 18h30 của ngày phỏng vấn cuối cùng, cô mới nhận được cuộc gọi từ trường, kết thúc nhiều ngày “ngồi trên đống lửa”.
"Mọi người nên chủ động tìm hiểu về hình thức phỏng vấn: điện thoại, gọi video trên các phần mềm như Zoom, Google Meet hoặc quay video chủ đề; về người phỏng vấn: thầy, cô của phòng Hợp tác quốc tế, cán bộ của quỹ học bổng hay các giáo sư, giảng viên chuyên ngành mình ứng tuyển. Cũng cần chuẩn bị tinh thần ổn định, tập trả lời những câu hỏi thường gặp và không quên kiểm tra thiết bị kỹ thuật", Oanh chia sẻ.
Nói về kế hoạch trong thời gian tới, Oanh hy vọng được tiếp cận gần hơn tới lĩnh vực khoa học chính trị và ngoại giao của Hàn Quốc, cụ thể là cách truyền thông và triển khai chính sách ngoại giao công chúng của quốc gia này. Cùng với đó, cô cũng muốn phát triển toàn diện các kỹ năng, mở rộng mối quan hệ và đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng thông qua các hoạt động ngoại khóa.
Thu Oanh diện Hanbok trang phục truyền thống Hàn Quốc. |
Sau quá trình học tập và rèn luyện, Oanh hy vọng được tiếp tục theo đuổi công việc liên quan đến chính trị - ngoại giao, để thu hẹp khoảng cách vĩ mô - vi mô, lý thuyết - thực tiễn, để chính trị - ngoại giao không còn là một điều gì đó to tát, khô khan và xa vời.
Khi đã tích lũy đủ phẩm chất và chuyên môn, Oanh muốn trở thành một chuyên gia và giảng dạy về ngoại giao công chúng, giúp mọi người nhận thức được mỗi người trong chúng ta đều nắm một vai trò nhất định trong công tác ngoại giao và gia tăng quyền lực mềm của Việt Nam.
Gửi tới các độc giả trẻ của Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong, Oanh nhắn nhủ: “Người Hàn Quốc có một câu nói hay lắm ‘Bắt đầu là đã thành công một nửa’. Nếu ngày đó mình cứ ngồi nhìn ngắm mà không bắt đầu thì đã không có thành công của ngày hôm nay”.
Nguồn tin: svvn.tienphong.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn