Thực hiện kế hoạch năm học 2020-2021, cuối tháng 1/2021, khoa Quốc tế học đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học: Đổi mới, nâng cao phương pháp giảng dạy tích cực. Tham dự buổi tọa đàm có đầy đủ các cán bộ, giảng viên khoa Quốc tế học và khách mời là TS.Đỗ Văn Hùng - Trưởng khoa Thông tin thư viện. GS.TS.Hoàng Khắc Nam - trưởng khoa Quốc tế học chủ trì buổi tọa đàm.
Mở đầu buổi tọa đàm, GS.TS.Hoàng Khắc Nam nhấn mạnh đến vai trò của hoạt động giảng dạy nhằm nâng cao tính tích cực cho sinh viên, đặc biệt, từ năm học 2020-2021, khoa Quốc tế học hiện nay đã có thêm sinh viên hệ chất lượng cao xã hội hóa thì đổi mới phương pháp giảng dạy để thu hút, hấp dẫn và nâng cao chất lượng cho người học là việc làm vô cùng cần thiết. Chính vì vậy, GS.Hoàng Khắc Nam mong muốn các giảng viên sẽ chia sẻ các phương pháp giảng dạy của cá nhân để mọi người có thể cùng thảo luận và áp dụng trong thực tế.
Trao đổi của giảng viên khoa Quốc tế học (1)
Tại buổi tọa đàm, TS.Đỗ Văn Hùng - Trưởng khoa Thông tin thư viện đã chia sẻ về việc triển khai chương trình Chất lượng cao xã hội hóa và một số vấn đề đối với việc giảng dạy bậc đại học. Theo TS.Đỗ Văn Hùng, việc lựa chọn những giảng viên tốt, có lịch trình từng học kì và chọn đối tác dạy ngoại ngữ cho sinh viên có thể giúp nâng cao tính tích cực cho sinh viên trong quá trình học tập vì như vậy, sinh viên sẽ có sự chủ động và vừa được học tập, vừa có kết hợp trải nghiệm. Bên cạnh đó, một nhân tố quan trọng của giảng dạy là các giảng viên phải nhiệt huyết đối với môn học, đối với sinh viên. Các giảng viên cũng cần phải thay đổi và nên ứng dụng công nghệ thông tin vào trong hoạt động giảng dạy.
Trao đổi của TS. Đỗ Văn Hùng
Tiếp theo đó, buổi tọa đàm nhận được 15 ý kiến chia sẻ của các thầy, cô trong khoa liên quan đến những chủ đề mà chủ tọa đưa ra như: đổi mới hoạt động thảo luận nhóm, một số lưu ý trong việc sử dụng phương pháp giảng dạy trực tiếp kết hợp trực tuyến, hướng dẫn phương pháp đọc tài liệu và sử dụng tài liệu trong giảng dạy hoặc hoạt động mô phỏng trong giảng dạy, rèn kĩ năng tư duy phản biện cho sinh viên…Tất cả những ý kiến đóng góp đều là những kinh nghiệm cá nhân của những giảng viên dày dặn kinh nghiệm. Các giảng viên đều khẳng định rằng, những kinh nghiệm đó được tích lũy từ ba “nguồn” chính: (1) kinh nghiệm của các thầy/cô đi trước, (2) trải nghiệm của bản thân giảng viên và (3) học từ chính các giảng viên trẻ, các em sinh viên…
Trao đổi của giảng viên khoa Quốc tế (2)
Sau hơn 3 giờ tọa đàm, GS.TS.Hoàng Khắc Nam đã kết luận lại một số những ý chính. Theo đó, GS.TS.Hoàng Khắc Nam cho rằng, buổi tọa đàm đã mang đến những ý kiến rất thiết thực và bổ ích, nhiều kinh nghiệm có thể được áp dụng được luôn nhưng cũng có những phương pháp cần đến sự hỗ trợ và tập huấn cho giảng viên. GS.TS.Hoàng Khắc Nam cho rằng, sẽ có nhiều khó khăn trong hoạt động đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy song một trong những khó khăn lớn nhất chính là bản thân các giảng viên có thực sự muốn thay đổi hay không. Từ đó, chủ trì đưa ra thông điệp giảng dạy cho các giảng viên gồm một số chữ “T”: Tương lai, Tâm, Trách nhiệm và Tự trọng.
Trao đổi của giảng viên khoa Quốc tế học (3)