Lời giới thiệu
Ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư đến các vị nguyên thủ các cường quốc đề nghị họ công nhận nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và kết nạp Việt Nam vào Liên Hợp Quốc - tổ chức quốc tế lớn nhất vừa được thành lập ngay sau cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai. Điều đó cho thấy tầm nhìn sâu rộng của Người về sự cần thiết phải xác lập vị thế của nước Việt Nam độc lập trên trường quốc tế. Nhưng do bối cảnh lịch sử của Trật tự thế giới hai cực và cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân ta kéo dài 30 năm, quan hệ đối ngoại của Việt Nam còn rất hạn chế. Phải hai năm sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 20 tháng 9 năm 1977 Việt Nam mới gia nhập và trở thành thành viên thứ 149 của Liên Hợp Quốc. Nhất là từ sau khi thực hiện đường lối Đổi mới theo phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa trong hội nhập quốc tế, Việt Nam đã đặt quan hệ ngoại giao với hầu hết các quốc gia trên thế giới và tham gia hoạt động trong nhiều tổ chức quốc tế trên phạm vi toàn cầu và khu vực. Thực tế đó đòi hỏi sự cần thiết phổ cập những kiến thức chung về các tổ chức quốc tế.
Đối với sinh viên chuyên ngành Quốc tế học và Quan hệ quốc tế trong các trường đại học và học viện, môn học về các tổ chức quốc tế có vị trí quan trọng, cung cấp những kiến thức cơ bản và hệ thống về sự ra đời, nguyên tắc hoạt động, ảnh hưởng quốc tế và quan hệ với Việt Nam. Sau nhiều năm giảng dạy và rút kinh nghiệm, đến nay, giáo trình Sự hình thành và phát triển của các tổ chức quốc tế liên chính phủ từ năm 1945 đến nay (TS. Bùi Hồng Hạnh – TS. Bùi Thành Nam) đã hoàn thành, phục vụ việc học tập và nghiên cứu của sinh viên, nghiên cứu sinh và những bạn đọc quan tâm đến lĩnh vực này.
Trong giáo trình, vấn đề tổ chức quốc tế được phân tích trên cơ sở những lý thuyết chung về quan hệ quốc tế nhằm cung cấp nền tảng kiến thức lý luận để sinh viên từ đó có thể nhìn nhận một cách căn bản và sâu sắc sự thành lập, vai trò và ảnh hưởng của các tổ chức trong tiến trình vận động của quan hệ quốc tế. Sự hình thành và phát triển của các tổ chức quốc tế được phân chia thành 2 thời kỳ - Chiến tranh lạnh và sau Chiến tranh lạnh. Các tác giả đã vận dụng quan điểm lịch sử để làm rõ bối cảnh ra đời và nhân tố tác động đến quá trình hình thành và phát triển của các tổ chức quốc tế mà mỗi tổ chức cụ thế được coi như trường hợp nghiên cứu (case study) làm sáng tỏ những lập luận chung. Bằng phương pháp đó, người đọc không chỉ nhận biết về từng tổ chức cụ thể mà còn có cái nhìn bao quát về nguồn gốc và chiều hướng phát triển của nó. Đương nhiên, từ góc độ Việt Nam, trong muôn vàn tổ chức quốc tế, các tác giả đã chọn lựa những tổ chức có liên quan nhiều đến Việt Nam, có Việt Nam là thành viên và nhấn mạnh những đóng góp của Việt Nam.
Với nội dung phong phú và xúc tích trên, cuốn sách Sự hình thành và phát triển của các tổ chức quốc tế liên chính phủ từ năm 1945 đến nay là một giáo trình cơ bản, rất thiết yếu trong nhà trường và cũng là tài liệu tham khảo bổ ích đối với những người nghiên cứu và hoạt động trong lĩnh vực đối ngoại.
Với ý nghĩa đó, tôi vui mừng được giới thiệu cuốn sách này vào dịp kỷ niệm lần thứ 20 ngày thành lập Khoa Quốc tế học trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội (1995 – 2015).
Tháng 4/2015
GS. NGND.Vũ Dương Ninh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn