Cuộc khủng hoảng giá dầu lửa năm 2022 và một số kinh nghiệm, giải pháp chính sách cho Việt Nam

Thứ tư - 17/08/2022 08:21
Ngày 11/8 vừa qua, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHKHXH&NV) đã phối hợp với Quỹ Konrad-Adenauer-Stiftung (KAS) tổ chức Tọa đàm: “Sốc dầu lửa: Tác động và chiến lược giảm thiểu rủi ro – Hàm ý chính sách cho Việt Nam”. Tham dự Tọa đàm, về phía trường ĐHKHXH&NV có PGS.TS Lại Quốc Khánh (Phó Hiệu trưởng), GS.TS Hoàng Khắc Nam (Trưởng Khoa Quốc tế học) và đông đảo cán bộ, giảng viên, nhà nghiên cứu đến từ Khoa Quốc tế học và các khoa khác trong trường. Về phía Quỹ KAS có ông Florian Feyerabend, Trưởng đại diện Quỹ KAS tại Việt Nam.
Ông Florian Feyerabend (Trưởng đại diện Quỹ KAS tại Việt Nam)
Ông Florian Feyerabend (Trưởng đại diện Quỹ KAS tại Việt Nam)
Hội thảo thu hút sự quan tâm, tham gia trình bày tham luận và trao đổi thảo luận của các chuyên gia đến từ Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam; Viện Nghiên cứu Quốc tế và An ninh của Đức; Viện Nghiên cứu chiến lược và Chính sách Công thương (Bộ Công thương),...

PGS.TS Lại Quốc Khánh phát biểu chào mừng: có thể nói trong bối cảnh những ngày vừa qua trên thế giới cũng như tại Việt Nam giá dầu lửa tăng “phi mã”, tạo ra những “cú sốc” và ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế của các nước trên thế giới cũng như đời sống của từng cá nhân. Bởi cho đến hiện nay dầu lửa vẫn là một nguồn nguyên liệu có vai trò quan trọng, tác động nhiều lĩnh vực. Phó Hiệu trưởng Lại Quốc Khánh đánh giá rất cao ý tưởng tổ chức tòa đàm khoa học này bởi đây thực sự là một chủ đề có tính thời sự, được các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực quan tâm, tham gia; đồng thời bày tỏ sự cảm ơn đến sự đồng hành, hỗ trợ của Quỹ Quỹ Konrad-Adenauer-Stiftung (KAS) không chỉ trong sự kiện này mà rất nhiều hoạt động khác cùng với trường ĐHKHXH&NV.

Ông Florian Feyerabend, Trưởng đại diện Quỹ KAS tại Việt Nam, chia sẻ: Khủng hoảng về dầu lửa không chỉ đơn giản là sự thiếu hụt một nguồn nguyên liệu, đẩy giá dầu thế giới lập đỉnh mới trong lịch sử, có tác động rất sâu sắc đến nền kinh tế toàn cầu, nhất là sự phục hồi của các quốc gia sau đại dịch Covid. Tọa đàm phối hợp của trường Nhân văn với sự tham gia của nhiều diễn giả, chuyên gia về kinh tế, hoạch định chính sách, sẽ chia sẻ nhiều nội dung về ảnh hưởng của tình trạng này ở các quốc gia trên thế giới, họ đã có những chính sách gì để đối mặt với “cú sốc” này, cũng như những kinh nghiệm gì cho Việt Nam. Trưởng đại diện Quỹ KAS tại Việt Nam cũng khẳng định rằng: trường ĐHKHXH&NV đã luôn đồng hành và phối hợp hiệu quả với Quỹ trong thời gian qua và trong sự kiện này nói riêng. Thời gian tới hai bên sẽ lên kế hoạch triển khai nhiều hoạt động hơn nữa để quan hệ hợp tác ngày càng chặt chẽ và hiệu quả.

Các đại biểu tham dự đã trình bày 3 tham luận: TS Bùi Ngọc Sơn (Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, Viện Khoa học xã hội Việt Nam) với tham luận: Những thay đổi trong thị trường dầu lửa và dự báo về cú sốc giá dầu lửa hiện nay; GS.TS Heribert Dieter (Viện Nghiên cứu quốc tế và An ninh của Đức): Tác động từ một loạt cú sốc: Giá nhiên liệu cao cùng lãi suất tăng tạo nên tác động tiêu cực cho nền kinh tế vi mô; TS Dr. Vuong Quang Luong đưa ra tổng kết về: Những nhân tố ảnh hưởng đến biến động giá dầu và một số khuyến nghị chính sách điều hành, bình ổn thị trường xăng dầu Việt Nam.

Xung quanh chủ đề của Tọa đàm và sau khi nghe các diễn giả trình bày tham luận, các đại biểu tham dự đã đưa ra nhiều bình luân, trao đổi rất sôi nổi: thế giới đã từng xảy ra những cuộc khủng hoảng năng lượng, giá dầu thiết lập đỉnh (như năm 2013 đạt gần 150$/1 thùng), nhưng có những lúc rớt xuống mức rất thấp, là do tác động của rất nhiều yếu tố: chính trị, kinh tế, khoa học kĩ thuật, thương mại... trong đó yếu tố về chính trị giảm dần và yếu tố kinh tế có vai trò ngày càng lớn. Giá năng lượng cao cùng lãi suất tăng tạo nên những ảnh rất tiêu cực tới nền kinh tế vi mô, các nước châu Âu cũng như các quốc gia đang có những cuộc tranh luận gay gắt về việc đưa ra các chính sách để có thể đối phó tình trạng khủng khoảng về dầu lửa, nhất là khu nhu cầu tăng cao trong mùa đông khắc nghiệt; nhiều quốc gia rơi vào tình trạng lạm phát,..

Tuy nhiên, trên thực tế thế giới đang thay đổi theo hướng giảm dần các yếu tố có thể đẩy giá tiếp tục lập kỉ đỉnh mới: OPEC giảm độc quyền; dầu lửa không còn là năng lượng độc quyền; dầu phiến sét và vai trò của Mỹ, các nguồn nguyên liệu thay thế ngày càng được sử dụng hiệu quả hơn vì vậy thế giới dần dần bớt phụ thuộc chặt chẽ vào nguồn nguyên liệu dầu mỏ, giá dầu sẽ không thể tiếp tục leo thang, vì vậy chúng ta không cần quá lo lắng với “cú sốc” đang xảy ra ngày hôm nay. Nhiều quốc gia cũng đang có những chiến lược để giảm thiểu tỉ lệ sử dụng dầu lửa: thay thế nguồn năng lượng xanh, sạch, những phương tiện, máy móc sử dụng tiết kiệm năng lượng.

Có thể nói cuộc khủng hoảng dầu lửa tuy tác động mạnh mẽ, làm đảo lộn tình hình kinh tế, đời sống của từng người dân, nhưng có thể nhìn thấy đây cũng là một “cơ hội”. Bởi nó khiến thế giới mạnh mẽ, ráo riết hơn trong việc tìm giải pháp căn cơ thoát khỏi sự phụ thuộc quá nhiều vào nguồn dầu lửa; tìm ra nhiều nguồn năng lượng thay thế, năng lượng xanh;… Và cũng là một trong một bài học rất quý cho Việt Nam: nhiều năm không có dự trữ dầu lửa nên khi dầu lửa biến động sẽ tác động rất lớn đến kính tế đất nước đời sống của người dân; cơ hội để thay đổi cơ cấu nền kinh tế, tranh thủ cơ hội này thay đổi, đẩy nhanh lĩnh vực đổi mới, sáng tạo,...", TS Bùi Quang Tuấn (Viện Kinh tế Việt Nam) chia sẻ.
Tổng kết tọa đàm, GS Hoàng Khắc Nam rất cảm ơn sự tham gia trao đổi rất sôi nổi, đưa ra nhiều ý kiến hết sức thú vị của các diễn giả, nhà nghiên cứu. Qua tọa đàm cho thấy: Câu chuyện dầu mỏ và giá cả dầu mỏ là vấn đề của thế giới, nó có ảnh hưởng đến toàn thế giới, tác động đến đời sống từng người dân, tác động mọi lĩnh vực, phương diện của nền kinh tế và ảnh hưởng sang cả chính trị, xã hội. Hậu quả đằng sau là rất lớn: lạm phát, việc làm, ổn định chính trị. Dầu mỏ đôi khi không chỉ là một loại hàng hóa mà còn là một công cụ chính trị. Năm 2022, câu chuyện khủng hoảng dầu mỏ xuất hiện đúng lúc thế giới đang chịu hậu quả của dịch bệnh, chiến tranh Nga-Ucraina,… làm cho nó trở nên nặng nề, tác động mạnh mẽ hơn. Trong các ý kiến đưa ra những dự báo về giá dầu trong trung hạn và dài hạn, đồng thời có nêu lên một số giải pháp tổng thể: bớt lệ thuộc vào nguồn dầu mỏ; sử dụng tiết kiệm và hiệu quả; câu chuyện thể chế, chính sách; khuyến khích, đầu tư cho khoa học, công nghệ; dự trữ dầu. Có một số ý kiến đưa ra những gợi ý, đánh giá khá thú vị: cuộc khủng hoảng giá dầu lửa cũng tạo ra một số bài học, cơ hội cho Việt Nam. Từ thành công ngoài mong đợi của tọa đàm này, GS Hoàng Khắc Nam một lần nữa cảm ơn Quỹ KAS và mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, hợp tác chặt chẽ hơn nữa của Quỹ để có thể triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học, hội thảo, tạo đàm trong thời gian tới.

Nguồn tin: ussh.vnu.edu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây