Mở đầu chương trình, GS.TS.Hoàng Khắc Nam đã giới thiệu khái quát các bộ môn của Khoa Quốc tế học về cơ cấu tổ chức, các giảng viên, các học phần có sự thay đổi trong chương trình so với những chương trình trước đó. Mỗi chuyên ngành gồm 16 tín chỉ (khoảng 6 học phần), tuy nhiên, điều đáng chú ý của các chuyên ngành khoa Quốc tế học so với các chương trình khác đó là áp dụng đào tạo dạy môn chuyên môn bằng tiếng Anh (hiện nay mỗi chuyên ban có 1 môn học bằng tiếng Anh).
Từ năm 2015, Khoa Quốc tế học đã có 4 bộ môn với 4 hướng chuyên ngành: Quan hệ Quốc tế, Nghiên cứu châu Âu, Nghiên cứu Châu Mỹ và Nghiên cứu Phát triển Quốc tế. Theo GS. Hoàng Khắc Nam, mỗi chuyên ban có đặc thù riêng nhưng quá trình học tập ở khoa Quốc tế học cũng đều bao gồm tất cả các nội dung về quan hệ quốc tế, nghiên cứu khu vực hoặc các vấn đề phát triển. Việc tìm hiểu các bộ môn, chuyên ngành phụ thuộc vào sở thích, nguyện vọng của từng sinh viên, Khoa Quốc tế học luôn tôn trọng và chỉ định hướng, tư vấn giúp các em.
Tại buổi giới thiệu, các sinh viên lớp K64 Quốc tế học đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến các chuyên ngành, đến các học phần thực tập, thực tế...và đều được các đại diện bộ môn, các trợ lý trả lời thỏa đáng. Phát biểu tại buổi tư vấn, PGS.TS. Bùi Thành Nam (Trưởng phòng Đào tạo Nhà trường kiêm Trưởng Bộ môn Nghiên cứu châu Mỹ) cũng cho biết: các bộ môn của Khoa Quốc tế học có sự tương đồng ở các trụ cột, đó là đều nghiên cứu về kinh tế, chính trị, pháp luật và quan hệ đối ngoại, do đó việc sinh viên lựa chọn chuyên ngành nào hoàn toàn phụ thuộc sở thích, nguyện vọng của các em.
Từ năm 2019, Khoa Quốc tế học áp dụng chương trình đào tạo mới với một vài điều chỉnh so với các chương trình trước đó. Chính vì vậy, buổi giới thiệu chuyên ngành đã giúp cho sinh viên hiểu rõ hơn về ngành học của mình và có một sự lựa chọn chuyên ngành phù hợp kể từ năm học sau.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn