Trong khuôn khổ Dự án “Hợp tác nâng cao năng lực nghiên cứu cơ bản tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển quốc tế” do Đại sứ quán Ai-len tại Việt Nam tài trợ, Khoa Quốc tế học đã tổ chức chuyến đi thực tế cho các giảng viên tại hai tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng từ ngày 23-27/1/2021.
Tại Buôn Ma Thuột, đoàn đã đi thực tế và khảo sát cuộc sống của các cộng đồng địa phương. Nhờ có sự chỉ dẫn và giới thiệu của Già làng Y’ An hdrok của buôn Jokla về các phong tục tập quán, tín ngưỡng tâm linh của đồng bào, đặc biệt là các dân tộc Ê Đê và M’nông, đoàn được nghe về những quy tắc nghiêm ngặt của buôn làng đã giúp cho đồng bào có ý thức gìn giữ rừng cây và bảo vệ dòng sông, con suối là nơi các thần linh trú ngụ để che chở cho họ. Bên cạnh đó, đoàn cũng hiểu được nguyên nhân vì sao cái nghèo vẫn đeo bám họ trong khi các gia đình có nguồn thu nhập từ sản xuất và bán các sản phẩm cà phê, hạt điều, hồ tiêu, ca cao, trồng lúa. Chế độ mẫu hệ và nhiều gia đình sinh hoạt trong một “nhà dài” giúp duy trì tính “cộng đồng” của nhiều thế hệ, tuy nhiên điều này cũng hạn chế sự “vươn lên” làm giàu, đầu tư cho con cái học hành, cải thiện hạ tầng vệ sinh cộng cộng.
Tại Đà Lạt, đoàn có buổi làm việc tại Sở Ngoại vụ tỉnh Lâm Đồng. Đồng chí Đào Thanh Trung, Giám đốc Sở đã chia sẻ với đoàn về nhiệm vụ, chức năng của Sở trong hoạt động đối ngoại của tỉnh, đặc biệt là sự hỗ trợ của Sở đối với thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển nông nghiệp sạch, chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. Một hoạt động quan trong nữa của Sở là hỗ trợ các xã, huyện lập danh sách địa bàn khó khăn, khảo sát nhu cầu để tìm kiếm và kêu gọi các tổ chức phi chính chủ nước ngoài và các nhà tài trợ giúp đỡ tài chính cho việc triển khai các dự án xóa đói giảm nghèo và năng cao năng lực của đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương. Đại diện của Sở và đoàn đã có sự trao đổi thêm để tìm kiếm sự hợp tác, hỗ trợ cho công tác hoạt động đối ngoại và phổ biến tri thức cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số.
Đoàn đã có cơ hội trải nghiệm thực tế trang trại trồng hoa với phương thức canh tác hiện đại ở tầm mức khu vực của một công ty có vốn đầu tư nước ngoài là Dalat Hasfarm chuyên trồng hoa xuất khẩu lớn nhất Đông Nam Á để tìm hiểu về quá trình thành lập, mục tiêu và định hướng hoạt động của công ty có vốn đầu tư nước ngoài này. Với chuỗi sản xuất và phân phối hàng hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, Dalat Hasfarm đã xuất khẩu hoa tới hơn 20 nước trên thế giới, chủ yếu ở châu Âu và Nhật Bản. Thông qua việc tham quan, trao đổi trực tiếp với đại diện lãnh đạo và người lao động của công ty, đoàn cũng hiểu rõ hơn về vấn đề tạo việc làm cho người địa phương. Dalat Hasfarm đã giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số ở một số xã trồng hoa có một nguồn thu nhập ổn định và đời sống được cải thiện hơn.
Quy hoạch thành phố phát triển theo hướng bền vững, kết hợp hợp du lịch xanh với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa là hướng đi tập trung của hai tỉnh Buôn Mê Thuột và Đà Lạt. Đoàn đã đến thăm một số điểm tham quan của thành phố, tìm hiểu về việc khai thác các yếu tố tự nhiên để thu hút khách du lịch. Cũng như một số thành phố du lịch khác ở Việt Nam, Buôn Mê Thuột và Đà Lạt cũng đang gặp phải vấn đề về việc lạm dụng cảnh quan thiên nhiên để làm du lịch mà chưa có được một quy hoạch hoàn chỉnh để giữ gìn vẻ đẹp tự nhiên, tránh khai thác quá mức nguồn tài nguyên du lịch để bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.
Chuyến đi khảo sát lần này của đoàn đã giúp các giảng viên trong Khoa có thêm trải nghiệm thực tế phục vụ việc nghiên cứu và giảng dạy các vấn đề liên quan đến nghiên cứu phát triển quốc tế.